Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tin tức sự kiện

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Ngày 7/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức họp báo công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì họp báo

Ngày 7/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức họp báo công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì họp báo

Theo đó, đối tượng quy hoạch là các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và các trường cao đẳng sư phạm, không bao gồm các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, với phạm vi quy hoạch trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030

Theo quy hoạch, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm toàn quốc được nâng cấp, phát triển với định hướng cơ cấu cụ thể:

Các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm khoảng 70% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển đất nước và bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học thuận lợi, công bằng cho người dân.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động.

Từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu, giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực và thế giới, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học toàn quốc và tại các vùng kinh tế - xã hội.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng, dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học trong đó khoảng 7% ở trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% tiến sĩ. Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo các ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của các vùng.

Phát triển mạng lưới giáo dục đại học số trên cơ sở chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở và cả hệ thống giáo dục đại học.

Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, bao gồm cả năng lực ngoại ngữ, năng lực số và ứng dụng công nghệ giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Tăng bình quân mỗi năm khoảng 5% số giảng viên toàn thời gian và 8% số giảng viên có trình độ tiến sĩ để đến năm 2030 toàn hệ thống có 110.000 giảng viên toàn thời gian trong đó ít nhất 40% có trình độ tiến sĩ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, triển khai, sắp xếp lại và kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quy hoạch

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức công bố, công khai Quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện và hướng dẫn thực hiện Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ Quy hoạch bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin, dữ liệu về Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn xây dựng và triển khai các đề án sắp xếp, tổ chức lại và phát triển các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, nội dung Quy hoạch bảo đảm có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất với chiến lược, quy hoạch khác có liên quan; định kỳ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm chủ trì xây dựng, triển khai các đề án sắp xếp, phát triển và các dự án đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc, phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch khác có liên quan. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn và theo đúng các quy định pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch; ưu tiên bố trí quỹ đất, ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại địa phương phù hợp với định hướng phát triển theo Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

* Xem chi tiết trong file đính kèm./.